Có thể nói cây cao su là cây xóa đói giảm nghèo bởi vì:
Khi cây cao su mới chỉ là cây giống trong vườn ươm nó cũng đã cần những bàn tay khéo léo, cẩn thận chăm sóc cây từ lúc mới nãy mầm đến khi xuất bán. Rồi trước đó có những khâu làm đất, tưới nước, bón phân, diệt cỏ, quá trình ghép cành… Có rất nhiều công việc đã giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Những công đoạn trồng cây cao su ra rừng, làm cỏ dưới chân cây, theo dõi sự phát triển, tình hình sâu bệnh… trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây luôn có bàn tay chăm sóc của người lao động đồng hành.
Khi đến giai đoạn thu hoạch, những công nhân cạo mủ cao su là người đóng vai trò quan trọng. Trong suốt thời gian dài thu hoạch, họ là người luôn song hành với quá trình tạo mủ, chăm sóc để đem đến giá trị cho người chủ cũng như chính họ.
Người ta hay nói vui, một người đi mót lại mủ cao su một ngày cũng có thể kiếm được một số tiền đủ để có một bữa cơm ngon cho cả gia đình, thậm chí một em nhỏ cũng có thể làm ra được giá trị đó. Nói vui nhưng thật sự là như vậy, với khoảng trung bình 15nghìn đồng/1kg như hiện nay, mà một người có thể mót đến 5kg hoặc hơn nữa thì cũng đã đủ một ngày công của một người lao động bình thường rồi.
Và một thực tế nữa, giá cao su cao nên bù lại tiền công của người lao động cũng được trả xứng đáng với mức cao, giúp ổn định cuộc sống.
Tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cao su từ lúc là một hạt giống đến cuối thời kỳ thu hoạch trãi qua khoảng từ 25-30 năm luôn đồng hành với những bàn tay chăm sóc của người nông dân. Như vậy nó đã tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho rất nhiều người lao động.