- Tên phổ thông : Tre Mạnh Tông
- Tên khoa học : Denldrocalamus asper
- Họ thực vật : Hoà thảo – Poaceae
- Nguồn gốc xuất xứ : Đông Nam Á, mọc tự nhiên trong một số thung lũng đá vôi vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hoá, giáp với Ninh Bình
- Phân bổ ở Việt Nam: Cây được trồng nhiều ở vùng Trung Du và Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ
A. Đặc điểm hình thái:
- Thân, tán: Cây thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm, tương đối to, thẳng, cứng, vách dày; chiều cao thân 15-20 m, đường kính gốc 7-15 cm, ngọn dài, rũ xuống, đốt ở gốc thân thường có vòng rễ khí sinh, chiều dài lóng 30-40cm, lúc non thân có lông màu nâu nhạt, trên và dưới vòng đốt đều có lông nhung màu nâu nhạt. Cây thường chia cành cao, bắt đầu từ đốt thứ 9; mỗi đốt có nhiều cành mọc cụm, cành chính rõ. Bẹ mo rụng sớm, chất da, lúc tươi màu lục nhạt, mặt lưng có lông gai nhỏ ép sát, màu trắng xám đến màu nâu, sau khi khô màu nâu nhạt, đầu hình cung tròn, tai mo hình tam giác hẹp, dài 2cm, rộng khoảng 7mm, gấp dạng sóng, phía đầu hơi mở rộng và gần hình tròn, mép có mấy chiếc lông mi dạng sóng cong dài tới 6mm; lưỡi mo nổi lên, cao 7-10mm, mép đính lông tua màu nâu dài 3-5mm; phiến mo hình lưỡi mác, thường lật ra ngoài, hai bên gốc thu hẹp vào trong, gấp nhăn dạng sóng.
- Lá hình lưỡi mác dài 10-30 cm, mặt dưới phủ lông mềm, lớp mo ngoài cùng của măng có màu nâu đen, đây là đặc điểm dễ phân biệt với các loại Tre Lấy Măng khác. Cành nhỏ mang 7-13 lá, bẹ lá lúc đầu có lông gai nhỏ ép sát, về sau trở nên nhẵn, tai lá nhỏ, lông mi miệng bẹ mấy chiếc; lưỡi lá, cao khoảng 2mm, mép nguyên hay xẻ răng nhỏ; phiến lá hình lưỡi mác đến hình mác, dài (10-)20- 30(-35)cm, rộng (1,5-)3-5cm, mặt dưới phủ lông mềm, gân cấp hai 7-11 đôi, gân ngang nhỏ hơi rõ, mép lá một bên ráp, một bên hơi ráp, cuống lá dài 2-7mm.
- Hoa, quả, hạt: cum hoa không lá, dài tới 50cm, mỗi đốt có ít đến nhiều bông nhỏ; bông nhỏ dẹt, dài 6- 9mm, rộng 4mm, chứa 4 hay 5 hoa lưỡng tính, và một hoa thoái hoá ở đỉnh; mày ngoài hình trứng rộng, càng lên phía trên càng dài, dài nhất 8mm, lưng có lông nhỏ, phần trên của mép có lông mảnh; mày trong dài bằng mày ngoài, lưng có 2 gờ, giữa các gờ có 2-3 gân, trên gờ và mép đều có lông mảnh, mày trong của hoa nhỏ trên cùng bị thoái hoá, trên gờ không có lông mảnh, nhưng khoảng giữa các gờ có lông ráp; mày cực nhỏ không; bao phấn dài 3-5mm (hoa nhỏ phía trên dài nhất), đầu có mũi nhọn ngắn, không lông; bầu và vòi đều phủ lông nhỏ, đầu nhuỵ 1, dạng lông vũ.
B. Đặc điểm sinh thái:
- Tốc độ sinh trưởng: trung bình
- Phù hợp với vùng khí hậu nóng và ẩm, có lượng mưa lớn và có ánh sáng dồi dào, nơi có độ cao dưới 1.000 m so với mặt biển, lượng mưa 2.000 – 2.500mm, nhiệt độ trung bình khoảng 24-25°C. Tre Mạnh Tông là loài cây ưa sáng hoàn toàn vì vậy không được trồng dưới tán các cây khác, khi trồng hỗn giao với cây gỗ thì nên trồng theo phương pháp hỗn giao với băng rộng để đảm bảo độ chiếu sáng cho tre.
- Tre Mạnh Tông thích hợp địa hình đồi thấp; với các loại đất tầng dày, tơi xốp nhiều mùn, đất ẩm nhưng thoát nước. Cây có thể trồng trên các loại đất phù sa ven sông suối. Vùng chân núi và thung lũng núi đá vôi cũng thích hợp để trồng Tre Mạnh Tông vì ở đây cây phát triển rất tốt, kích thước đạt tối đa, thể hiện rõ nhất là ở vùng núi đá vôi Hoà Bình, Ninh Bình và Thanh hoá. Tuy nhiên Bà con lưu ý không được trồng Tre Mạnh Tông ở đất bị ngập úng dài ngày, đất quá bí chặt, đất bị đá ong hoá tầng mỏng và đất cát khô rời rạc.
- Giá trị về kinh tế lớn nhất của Cây Tre Mạnh Tông là măng tre dùng làm thực phẩm, là loại rau sạch được sử dụng nhiều trong nước và xuất khẩu. Măng tre có thể dùng ăn tươi và chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác như măng hộp, măng chua, măng khô, măng lát, măng sợi…ngoài ra, thân tre làm nguyên liệu giấy, sản xuất ván ép và làm hàng thủ công mỹ nghệ.