- Tên phổ thông: Thông Ba Lá, Xà Nu, Xà Núi ( Tây Nguyên), Ngo ( Đà Lạt), Tòng Thú ( Mèo – Lai Châu)
- Tên khoa học: Pinus kesiya Royle ex Gordon (P. khasya Hook. f.)
- Họ thực vật: Thông – Pinaceae
- Nguồn gốc xuất xứ: phân bổ ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines
- Phân bố ở Việt Nam: ở Hà Giang, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum,… nhưng nhiều nhất là trên cao nguyên Lang Bi-an
A. Đặc điểm hình thái:
- Thân, tán, lá: Cây gỗ lớn, cao khoảng 30m -45m; đường kính từ 50 đến dưới 100cm, thân thẳng đứng, tròn, vỏ dày, màu nâu sẫm và nứt dọc sâu. Cành nhỏ có màu phấn trắng, vàng nhạt. Lá hình kim màu lục sẫm, mềm, thường có 3 lá mọc cụm trong một bẹ ở đầu cành ngắn; lá dài 15-20cm, bẹ dài 1-2cm.
- Hoa, quả, hạt: Thông Ba Lá có nón quả đơn tính, hình trứng dài từ 4 – 10cm, cây ra nón vào tháng 4-5 và chín trong 2 năm, vẩy chín có rốn hơi lồi, đôi khi có gai nhọn, có hai đường gờ ngang và dọc, đi qua giữa mặt vẩy. Hạt thông nhỏ có cánh mỏng, dài khoảng 1,5 – 2,5cm.
B. Đặc điểm sinh lý, sinh thái:
- Tốc độ sinh trưởng: trung bình
- Phù hợp với: các khu vực có nhiệt độ trung bình năm khoảng 15-20 độ C, tổng lượng mưa khoảng 2.000 ¬ 2.500mm và mùa khô ngắn. Cây Thông Ba Lá ưa đất tốt nhiều mùn, chua (pH 4,8-5,5), phong hoá trên đá mẹ hoa cương, gnai, phiến thạch, phiến thạch mica, sa thạch…, ưa mát, ẩm và ưa sáng, nơi có khí hậu mát nhiều sương mù, thường phân bố ở độ cao trên 900 m. Cây không thích ứng với đất kiềm.
- Thông Ba Lá mọc ở độ cao từ 1.000 đến 1.800m. Tuy nhiên, loài Thông này cũng có thể mọc được ở độ cao thấp hơn từ 800 đến 1.000m trên cao nguyên Di Linh.
- Thông Ba Lá có diện tích lớn nhất trong số các loài Thông ở Việt Nam.