Cây Gáo Trắng còn gọi là Cây Gáo Tàu, Cà Tôm, Cà Đam. Tương tự như Gáo Vàng, Gáo Trắng là loài cây đa tác dụng, mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân và các chủ vườn.
Đặc điểm chung về Cây Gáo
Cây Gáo còn được gọi là Cây Thiên Ngân. Gáo được chia thành 3 loại: Gáo Trắng, Gáo Vàng, Gáo Tròn. Đây là cây gỗ thường xanh thuộc họ cà phê Rubiaceae.
Cây Gáo là cây gỗ thường xanh hoặc nửa rụng lá, thân cao tới 35m, đường kính ngang ngực tới trên 100 cm. Thân tròn, thẳng đứng. Vỏ cây khi còn non có màu nâu tro, tròn nhẵn, khi trưởng thành có màu nâu, có sọc thẳng đứng. Cành nhánh dài và phẳng, ngọn hơi rủ, tán hình dù.
Thân cây con màu xanh, hình 4 cạnh, thân chính và cành có lõi xốp. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 20 – 25 cm, rộng 12 – 17 cm, chiều dài lá có thể tới 40 – 70cm, mặt dưới có lông mượt. Hoa mọc ở ngọn, màu vàng trắng, hoa trụ vươn dài. Quả chín màu vàng hung, quả sóc 4 ngăn. Hạt nhỏ có cạnh.
Những điều cần biết về Cây Gáo Trắng
Cây Gáo Trắng còn gọi là Cây Gáo Tàu, Cà Tôm, Cà Đam. Cây thuộc nhóm gỗ lớn, trong tự nhiên có thể dễ dàng tìm thấy cây cao tới 30 – 35m, thuộc tầng cây vượt tán rừng.
Đặc điểm nhận biết về thân, tán, lá, hoa, quả, hạt của Gáo Trắng
Thân cây thuộc nhóm thân đơn trục, có các cành nhánh đâm ngang. Vỏ thân cây màu xám, gỗ giác màu trắng, gỗ lõi màu cam nhạt.
Lá cây có phiến hình bầu dục dài 15–30 cm, đầu lá có mũi nhọn, đuôi lá có thể tròn hoặc tà. Mặt dưới lá có lớp lông mịn. Lá kèm sớm rụng, dạng lá kèm thon nhọn dài 1,5–2 cm. Hoa mọc ở đầu cành nhánh. Quả dạng phức kép hình cầu đường kính 2-4,5 cm.
Phân bố chủ yếu:
Cây Gáo Trắng có thể trồng ở các vùng bị ngập, các bình nguyên. Một số cây thường còn sót lại trong các tổ thành tái sinh rừng thứ sinh thuộc khu vực có lượng mưa và độ ẩm cao. Gáo Trắng có phân bố tự nhiên vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ Nam Trung Hoa, Nam Á, Đông Nam Á tới vùng đảo Pa Pua.
Tầm quan trọng của Cây Gáo Trắng trong đời sống hằng ngày
Gáo Trắng là loài có ý nghĩa lâm học. Đây là loại cây có khả năng thúc quá trình tái sinh lỗ trống rừng mưa nhiệt đới, phục hồi rừng thứ sinh nghèo kiệt từ giai đoạn diễn thế rừng thảm lau sậy, tre nứa.
Ngoài ra, Bà con cũng có thể trồng ở vùng ven bán ngập của các hồ thủy điện, tăng sinh khối gỗ cho mô hình trồng rừng kết hợp tre – gỗ. Tuy nhiên, các nhà vườn cũng hạn chế hạn chế dùng làm cây xanh đô thị. Bởi vì đây là loài cây sinh trưởng khá nhanh, gỗ mềm và dễ gãy đổ.
Thêm vào đó, đây là loại cây đa tác dụng. Lá và vỏ cây được chế xuất thành thuốc. Trong khi đó, tinh dầu của cây còn được tinh chế thành nước hoa. Hay Gỗ Gáo Trắng còn được đóng các đồ bảo quản.
Hi vọng những đặc điểm trên đây giúp bạn hình dung rõ về Cây Gáo Trắng và những tác dụng của loài cây này trong đời sống hằng ngày.