Cây Keo Lai là loại Cây Lâm Nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, Keo Lai lại dễ trồng và có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại Cây Lâm Nghiệp khác. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn khuyến cáo với những người trồng Keo Lai phải tuân thủ các nguyên tắc, kỹ thuật trồng Cây Keo Lai. Dưới đây sẽ là những thông tin hữu ích bạn cần biết về kỹ thuật này.
Muốn có được Giống Keo Lai Giâm Hom tốt nhất thì không thể đánh giá nhẹ khâu làm đất. Đất gieo hom cần có thành phần cơ giới nhẹ, dày trên 50cm, và có khả năng thoát nước tốt.
Chúng ta cày bừa toàn diện 2 lần làm đất sạch, tơi mịn và phân luống. Cuốc hố 30x30x30cm, khoảng cách 0,8×0,4m. Bón lót mỗi hố 2kg phân chuồng hoai, 100g NPK (5:10:3) và 300g phân lân hữu cơ vi sinh. Trộn đều, sau đó dùng quốc xáo trộn đất rồi lấp đầy hố. Việc lấp hố và bón lót phân phải hoàn thành ít nhất 15 ngày trước khi trồng.
Khi trồng, chúng ta đào ở chính tâm hố một lỗ sâu hơn chiều cao bầu, rạch vỏ bầu, đặt cây đúng vị trí tâm hố, đặt ngay ngắn cho cây con đứng thẳng. Sau đó dùng đất tơi lấp cao hơn bầu 2-3 cm. Các động tác trồng cây phải thực hiện hết sức nhẹ nhàng để tránh gãy cây, vỡ bầu, dập cổ rễ.
Thông thường cây hom cao 20-25cm sẽ được đem đi trồng. Trước khi xuất vườn 1 tuần phải cắt bớt lá, đảo bầu, loại bỏ cây yếu, sâu bệnh, ngừng tưới nước, tưới phân. Lưu ý rằng, mùa giâm hom phải thực hiện trước mùa trồng rừng 3 tháng. Nếu quá thì phải giảm tưới nước, bón phân để hãm cây. Ở Bắc Bộ giâm hom tháng 4 đến tháng 10, 11. Ở Miền Trung và Nam Bộ giâm hom trước mùa mưa 2-3 tháng.
Sau khi trồng 1-2 tháng, tiến hành cắt dây leo, phát dọn thực bì trên toàn diện tích, dẫy cỏ và vun xới quanh gốc rộng 80cm. Sau khi cây trồng được 3-4 tháng, cây đã phát triển đến độ cao khoảng 70 cm, chúng ta tiến hành cắt tạo chồi. Sau khi cắt đốn xới đất quanh gốc, làm cỏ sạch sẽ chúng ta sẽ tiến hành bón thúc cho cây, tùy vào loại đất điều kiện khác nhau mà lượng phân bón thúc có chênh lệch ít nhiều.
Trong năm đầu, chúng ta nên tiến hành làm sạch cỏ nhiều lần để cây có đủ điều kiện tốt nhất để phát triển.
Năm thứ 2, chăm sóc 3 lần: Lần 1 vào tháng 3-4, chăm sóc như lần 1 khi trồng được 1-2 tháng. Bón thúc mỗi gốc 200g NPK (5:10:3) hoặc 500g phân hữu cơ vi sinh. Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì toàn diện, dẫy cỏ vun xới quanh gốc 1m, tỉa cành cao đến 1m. Lần 3 vào tháng 10-11, phát thực bì quanh gốc rộng 1m
Sang năm thứ 3, chúng ta chỉ cần chăm sóc 2 lần: Lần 1 vào tháng 3-4, phát thực bì toàn diện tích, tỉa cành đến tầm cao 1,5-2,0m. Dẫy cỏ quanh gốc rộng 1m, bón thúc lần 2 như bón lần 1 nhưng rạch bón cách gốc 40-50cm. Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì toàn diện tích, chặt cây sâu bệnh, phát dẫy cỏ quanh gốc cây.
3 năm đầu là giai đoan phát triển quan trọng của Keo Lai. Sau 3 năm chúng ta vẫn phải tiến hành làm đất chăm sóc để Keo Lai có thể cho thu hoạch nhanh.
Trên đây là một số kỹ thuật trồng Cây Keo Lai cơ bản. Hy vọng nó sẽ hữu ích với những người trồng Keo Lai.