Hơn 10 năm trước, Dó Bầu được nhiều người biết đến như là loại cây hái tiền tỉ, người dân nhiều địa phương đổ xô trồng với ước mơ đổi đời. Cây Dó Bầu sau khi trồng 3-4 năm sẽ được cấy hóa chất để tạo trầm, Trầm Hương được khai thác từ Cây Dó Bầu là nguyên liệu quý phục vụ cho ngành hóa mỹ phẩm.
Với giá bán trầm giao động từ 3 triệu -7 triệu/ kg, nhiều bà con nhà vườn đã “phất lên” nhờ trồng Dó Bầu tạo trầm.
Cây Dó Bầu là gì?
Cây Dó Bầu có tên gọi khác là Trầm, Dó bầu, Kỳ nam, Rà hương, có tên khoa học là Aquilaria Crassna Pirre. Là loại cây có khả năng tụ trầm cao. Trên thế giới, có khoảng 25 loại Dó Bầu chỉ mọc rải rác ở các nước Ðông Dương. Ở nước ta Trầm phân bố tương đối rộng từ các tỉnh phía Bắc: Quảng Ninh, Bắc Giang , Hòa Bình, cho đến tận Kiên Giang, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây nguyên.
Đặc điểm sinh thái và phát triển
Dó Bầu là loại thân gỗ sống lâu năm, có thời gian sinh trưởng kéo dài. Trầm sinh trưởng rải rác trong rừng thường xanh ẩm nhiệt đới, nguyên sinh hoặc thứ sinh trên đỉnh dông, trên sườn núi hoặc trên đất bằng ở độ cao 50 – 1.000 m (-1.200 m) so với mặt biển. Ở nước ta, Trầm Hương thường phân bố rải rác trên sườn núi có độ dốc nhỏ, thoát nước.
Dó Bầu ưa đất feralit điển hình, feralit trên núi phong hóa từ đá kết, đá phiến hay đá granit. Lớp đất mặt trung bình hay mỏng, hơi ẩm, chua hoặc gần trung tính (pH vào khoảng từ 4 – 6).
Gỗ Cây Dó Bầu có khả năng hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là Trầm Hương, do cây bị bệnh hoặc bởi tác động bên ngoài. Căn cứ vào sự tụ nhựa nhiều hay ít để tạo Trầm mà có những sản phẩm khác nhau: Tóc, Trầm Hương hay Kỳ Nam.
Tóc: Do sự biến đổi một phần chất gỗ, hình thành những đường đen như sợi tóc (lượng tinh dầu ít, thường dùng làm nhang đốt)
Trầm Hương: Do sự phân hóa không trọn vẹn của các phần tử gỗ, ngấm tinh dầu Trầm nhiều hơn Tóc, có màu nâu, hay sọc đen. Loại càng tốt thì càng chìm trong nước (trầm = chìm).
Kỳ Nam: tốt nhất, do sự biến đổi hoàn toàn của các phần tử gỗ, thấm nhiều tinh dầu Trầm, có màu nâu đậm, đen, xanh, vàng hay trắng. Kỳ Nam nặng, chìm trong nước, có vị đắng, thường hình thành ở phần lõi của cây trầm.